Phục vụ nhà Trần Vương Mãnh (nhà Trần)

Thời Tuyên đế

Đến khi trưởng thành, Mãnh học tập siêng năng không mỏi, đọc khắp kinh sử, thạo cả Tôn, Ngô binh pháp. Vì cái chết của cha, Mãnh cho đến trọn đời Trần Văn đế, không nghe âm nhạc, ăn cơm rau mặc áo vải, hành xử như đang giữ tang. Trần Tuyên đế lên ngôi, Mãnh mới bắt đầu xin quan chức. Năm Thái Kiến đầu tiên (569), Mãnh bắt đầu được làm Bà Dương vương phủ Trung binh tham quân, sau 2 lần thăng chức thì được làm đến Vĩnh Dương vương phủ Lục sự tham quân.

Mãnh tính khẳng khái, luôn ưa chuộng công danh. Ban đầu Mãnh dâng sớ trình bày sách lược an định biên thùy và mở rộng bờ cõi, rất được hoàng đế khen ngợi, đến nay triều đình giáng chiếu cho ông theo Đại đô đốc Ngô Minh Triệt giành đất của nhà Bắc Tề; Mãnh nhờ quân công được phong Ứng Dương huyện tử. Mãnh dần được thăng làm Thái tử hữu vệ soái, dời làm Tấn Lăng thái thú. Mãnh ơn uy đều dùng, khiến trộm cướp trốn tránh, nhà buôn đến cõi đều nói: “Để giao cho Vương phủ quân.” Người trong quận ca ngợi Mãnh, so sánh với Triệu Quảng Hán đời Hán.

Thời Hậu Chủ

Năm Chí Đức đầu tiên (583), Mãnh được trưng làm Tả kiêu kỵ tướng quân, gia Tán kỵ thường vị, rất được tin cậy. Bấy giờ bọn Khổng Phạm, Thi Văn Khánh kết bè với nhau, hãm hại những ai chống đối, bàn bạc muốn đưa Mạnh ra ngoài nhưng chưa có dịp. Gặp lúc Quảng Châu thứ sử Tư Mã Tĩnh không chịu trưng, triều đình bèn trừ Mãnh làm Đô đốc Đông Hành Châu thứ sử, lĩnh chức Thủy Hưng nội sử, cùng Quảng Châu thứ sử Trần Phương Khánh đi bắt Tĩnh. Mãnh đến, lập tức bắt được Tĩnh, giải về Kiến Nghiệp, được tiến tước làm công, gia Quang thắng tướng quân, Bình Việt trung lang tướng, Đại đô đốc; ông phát binh của Quảng, Quế 20 châu, đánh dẹp những vùng xa xôi của Lĩnh Nam, đi đến đâu bình định đến đấy.

Năm Trinh Minh thứ 2 (588), triều đình giáng chiêu thụ Mãnh làm Trấn nam đại tướng quân, Đô đốc 24 châu chư quân sự, ít lâu mệnh cho ông dời sang trấn thủ Quảng Châu. Mãnh chưa đến trấn thì quân Tùy đã vượt Trường Giang; ông bèn đốc toàn quân về cứu viện. Bấy giờ Quảng Châu thứ sử Lâm Nhữ hầu Trần Phương Khánh, Tây Hành Châu thứ sử Hành Dương vương Trần Bá Tín nằm dưới quyền chỉ huy của Mãnh, nhưng đều ngồi nhìn mà không đến. Mãnh sai Cao Châu thứ sử Đái Trí Liệt, Thanh Viễn thái thủ Tăng Hiếu Viễn đều đem khinh binh đi bắt chém họ, rồi phát động quân đội của họ. Đến khi nghe tin Đài thành thất thủ, Mãnh bèn làm lễ cử ai, mặc đồ tang, ngủ chiếu rơm và không ăn cơm, than rằng: “Thân Bao Tư đơn độc thế đấy!” rồi kìm quân men Trường Giang để kháng cự, hòng giữ vững khí tiết. Sau đó Mãnh tra được Trần Hậu Chủ chưa chết, bèn sai bộ tướng Tân Phưởng chạy trạm dịch đến kinh đô Trường An của nhà Tùy xin hàng. Tùy Văn đế rất hài lòng, nói với Phưởng rằng: “Mãnh nhớ mong chủ cũ, chuẩn bị tang sự, tức là bề tôi đáng tin của ta. Giữ vững một phương, không nhọc binh giáp, lại là bề tôi có công của ta đấy.” Ngay hôm ấy Văn đế bái Phưởng làm Khai phủ Nghi đồng tam tư, còn giáng chiếu cho Mãnh cùng Hành quân tổng quản Vi Hoảng nhân đó ở lại kinh lược Lĩnh Biểu.